Những địa danh nổi tiếng nào được nhắc đến trong 'cơn sốt' Bắc Bling của Hòa Minzy? 

Những năm qua, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản (NTTS) III (Viện III) đã nghiên cứu, tạo ra nhiều quy trình công nghệ ứng dụng vào thực tiễn sản xuất NTTS trên địa bàn cả nước, đặc biệt là tỉnh Khánh Hòa, góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người NTTS.

Chuyển giao 10 quy trình cho Khánh Hòa

Những năm qua, Viện III đã có 24 quy trình công nghệ được ứng dụng, chuyển giao tại 32 tỉnh, thành trên cả nước. Riêng tại Khánh Hòa, Viện đã chuyển giao thành công hơn 10 quy trình công nghệ, bao gồm: Ốc hương, tu hài, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, hải sâm, hàu Thái Bình Dương, sá sùng, cá mú lai, trai tai tượng, giun nhiều tơ, cá chình, cua xanh, điệp quạt… Hầu hết các công nghệ được ứng dụng tại địa phương đạt hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người NTTS và đóng góp vào GDP tỉnh nhà.

Một số thành tựu tiêu biểu như: Công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm ốc hương của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Xuân Thu đạt giải nhì Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam (Vifotec) năm 2001 và Cúp Vàng Techmart 2003, 2005; Cúp Vàng Techmart Việt Nam Asian +3 năm 2009. Đây là công nghệ rất hiệu quả đã mở ra triển vọng của nghề sản xuất giống và ốc hương tại Việt Nam. Ốc hương là loài nhuyễn thể có giá trị kinh tế cao, siêu lợi nhuận, món ăn thơm ngon nhưng việc sản xuất giống rất khó do tỷ lệ sống của ấu trùng rất thấp. Công trình được xếp loại xuất sắc góp phần tạo ra nguồn ốc hương giống và thương phẩm cho người nuôi.

Công trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm hàu Thái Bình Dương của Thạc sĩ Phùng Bảy cũng được xem rất thành công tại nhiều tỉnh thành, đặc biệt là Khánh Hòa. Tại Khánh Hòa, năng suất bình quân đạt 32 kg/m2. Lợi nhuận sản xuất giống 70 - 100 triệu đồng, nuôi thương phẩm 55 - 70 triệu đồng/năm/hộ. Phong trào nuôi hàu Thái Bình Dương đã trở thành phong trào nuôi mạnh mẽ của nông dân trên đầm Nha Phu và nhiều địa điểm khác tại Khánh Hòa. Hay công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá mú lai của Tiến sĩ Trương Quốc Thái cũng là ví dụ điển hình. Đây là công nghệ lai giữa giữa cá song vua (mú nghệ, đực) với cá mú cọp (cái) nên thừa hưởng ưu thế của cá mú nghệ và cá mú cọp. Trước đây người nuôi chủ yếu nhập cá giống từ Đài Loan nhưng chất lượng con giống không đảm bảo, khó mở rộng diện tích thả nuôi. 2 năm trở lại đây, sau khi được Viện III chuyển giao quy trình ương cá mú lai thì người nuôi chủ động được con giống. Hiệu quả nuôi cá mú lai khá cao, giá bán dao động từ 180.000-270.000/kg, sau khi trừ chi phí, lãi ít nhất 80.000 đ/kg.

Sẽ chuyển giao một số quy trình, công nghệ mới

Thời gian qua, Viện III đã phối hợp và chuyển giao công nghệ với nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế như: ACIAR (Úc), SEAFDEC (Trung tâm phát triển Nghề cá Đông Nam Á), FAO (Tổ chức Nông Lương thế giới)…; các tập đoàn: MASAN, Việt Úc, Minh Phú…; các công ty: Thủy sản Đắc Lộc, Vạn Phát Đạt, Bá Hải (Phú Yên), F17 (Nha Trang)… Viện có hơn 16 công trình đã đạt giải thưởng danh giá trong và ngoài nước (Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam, Cúp Vàng Techmart Việt Nam Asian +3, Sở hữu trí tuệ thế giới, WIPO). Để có được những thành công đó là nhờ vào đội ngũ nghiên cứu đầy kinh nghiệm, sáng tạo và đam mê nghiên cứu khoa học. Hiện nay, viện có 1 phó giáo sư, 14 tiến sĩ, 44 thạc sĩ và 64 đại học, hầu hết các tiến sĩ và thạc sĩ được đào tạo từ nước ngoài.

Theo Tiến sĩ Trương Hà Phương - Phó Viện trưởng phụ trách Viện III, tại Khánh Hòa, Viện III là một trong những đơn vị đã chuyển giao thành công nhiều công nghệ cho tỉnh. Việc chuyển giao công nghệ tại địa phương đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người NTTS. Trong thời gian tới, Viện III tiếp tục hợp tác và chuyển giao một số công nghệ mới: Công nghệ lọc tuần hoàn RAS (nuôi tôm, cá, ốc hương), nuôi công nghiệp bằng lồng HDPE, nuôi tôm mũ ni, tôm tít, cua hoàng đế, giun nhiều tơ, cá song vua, cá mú lai, trai tai tượng vảy, hải sâm vú, điệp seo… Ngoài các công nghệ trên, rất nhiều công nghệ lai tạo, chọn giống tôm thẻ, ốc hương, các loài cá mú lai, cá mú đỏ…, công nghệ xử lý môi trường và phòng, chống dịch bệnh trong NTTS góp phần nâng cao hiệu quả ngành NTTS trong tỉnh.