Trung Quốc đã có những động thái quyết đoán khi Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tiếp công bố mức thuế mới và cảnh báo cứng rắn Bắc Kinh.

Trung Quốc phản ứng cứng rắn trong cuộc đấu thuế quan với Mỹ - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Getty).

Quyết định của Trung Quốc khi nhanh chóng trả đũa đòn thuế quan toàn diện của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi đến thế giới một thông điệp rõ ràng: Nếu Mỹ muốn chiến tranh thương mại, Trung Quốc sẵn sàng chiến đấu.

Sau nhiều tuần chỉ đáp trả bằng các biện pháp có mục tiêu và kêu gọi đối thoại, Trung Quốc đã ra tín hiệu cứng rắn hơn vào ngày 4/4 khi tuyên bố đáp trả thuế quan đối ứng của Tổng thống Trump bằng các mức thuế toàn diện và kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ hơn.

Tờ báo chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc đã đăng bài xã luận vào ngày 7/4, tuyên bố Bắc Kinh không còn "bám víu vào ảo tưởng" về việc đạt được thỏa thuận, ngay cả khi họ vẫn để ngỏ cánh cửa đàm phán.

Phản ứng của Trung Quốc đã làm rung chuyển thị trường toàn cầu, tạo ra sự biến động mới khi các nhà đầu tư chuẩn bị cho một cuộc chiến thương mại kéo dài và gây gián đoạn.

Ông Trump đã làm sâu sắc thêm những lo ngại đó vào ngày 7/4, đe dọa sẽ áp thêm 50% thuế quan nếu Bắc Kinh không rút lại kế hoạch trả đũa. Ông chủ Nhà Trắng cũng cảnh báo trong một bài đăng trên mạng xã hội rằng Mỹ sẽ dừng mọi cuộc họp và đàm phán trong tương lai với Trung Quốc nếu không có hành động nào được thực hiện trong những ngày tới.

Theo một quan chức Nhà Trắng, mức thuế 50% sẽ được áp dụng ngoài mức thuế 34% mà Tổng thống Mỹ đã áp dụng đối với tất cả hàng nhập khẩu của Trung Quốc - dự kiến có hiệu lực vào ngày 9/4 - cũng như mức thuế 20% mà ông đã áp dụng trước đó liên quan đến hoạt động buôn bán thuốc giảm đau gây nghiện fentanyl.

Khi Trung Quốc đối mặt với thực tế rằng việc tăng thuế của Mỹ - hiện ở mức mà Bloomberg Economics cảnh báo sẽ xóa sổ hầu hết hoạt động thương mại song phương - là điều không thể tránh khỏi, các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đang tăng cường nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế trong nước.

Các nhà hoạch định chính sách đã họp tại Bắc Kinh vào cuối tuần để thảo luận về các kế hoạch nhằm đẩy nhanh các biện pháp kích thích thúc đẩy tiêu dùng, tận dụng lợi thế về số người tiêu dùng rộng lớn của Trung Quốc để giúp tiêu thụ hàng hóa.

Cảnh báo trả đũa

Vào ngày 7/4, Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi tăng cường nỗ lực để "giải phóng hoàn toàn" tiềm năng tiêu dùng của Trung Quốc nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Truyền thông Trung Quốc đưa tin, ông Tập tuyên bố việc phục hồi tiêu dùng, mở rộng nhu cầu trong nước và tăng cường hiệu quả đầu tư là ưu tiên hàng đầu của đất nước.

Nhận định về lập trường của Trung Quốc, tiến sĩ Wu Xinbo, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Fudan tại Thượng Hải, cho biết: "Chúng tôi tin rằng trước khi có thể ngồi xuống đàm phán một thỏa thuận, chúng tôi phải chiến đấu, vì phía bên kia muốn chiến đấu trước".

Căng thẳng leo thang có thể làm giảm triển vọng về một cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc trong tương lai gần. Ông Trump đã không trao đổi với ông Tập kể từ khi chính thức trở lại Nhà Trắng, đây là khoảng thời gian dài nhất mà một tổng thống Mỹ không trao đổi với người đồng cấp Trung Quốc sau khi nhậm chức trong 20 năm.

Theo hãng tin Bloomberg, nhà lãnh đạo Trung Quốc đang "đi trên dây". Ông cần thể hiện sức mạnh trong nước, đồng thời hỗ trợ nền kinh tế đang gặp khó khăn với tình trạng giảm phát. Một thách thức lớn là khôi phục niềm tin của người tiêu dùng, vốn đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng suy thoái nhà ở kéo dài nhiều năm.

Một số ngân hàng toàn cầu lớn, bao gồm UBS Group AG, Goldman Sachs Group và Morgan Stanley, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về hậu quả kinh tế tiềm tàng từ đợt tăng thuế quan mạnh nhất trong một thế kỷ của Mỹ. Họ cảnh báo rằng điều này có thể gây thêm áp lực lên dự báo tăng trưởng khiêm tốn của Trung Quốc vào năm 2025.

Các biện pháp đáp trả tiềm tàng

Bắc Kinh có một số công cụ có thể sử dụng nếu căng thẳng với Washington trở nên tồi tệ hơn. Trung Quốc có thể cho phép đồng nhân dân tệ suy yếu để bù đắp tác động của thuế quan, thắt chặt kiểm soát xuất khẩu đối với các khoáng sản quan trọng hoặc tăng áp lực lên các công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc.

Đồng thời, Trung Quốc có thể mở rộng phạm vi tiếp cận ngoại giao bằng cách xây dựng mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn ở những nước khác. Tháng trước, các quan chức thương mại từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã cùng nhau kêu gọi thương mại cởi mở và công bằng.

Trong chuyến thăm gần đây tới Brussels, Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Liao Min đã bày tỏ mong muốn hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) để bảo vệ hệ thống thương mại đa phương. Đại sứ quán Trung Quốc tại Ottawa cũng đã đưa ra những lời đề nghị tương tự về việc hợp tác với Canada.

Chuyến thăm Đông Nam Á của Chủ tịch Tập Cận Bình, dự kiến diễn ra vào cuối tháng này, được xem là có ý nghĩa quan trọng hơn. Bắc Kinh có thể sẽ theo dõi những động thái mà các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á có thể làm với Mỹ để giảm tác động thuế quan và liệu những động thái đó có làm suy yếu lợi ích của Trung Quốc hay không.

Tuy nhiên, bất chấp áp lực gia tăng, không có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy Trung Quốc đang tìm cách tách hoàn toàn khỏi Mỹ. Thay vào đó, Bắc Kinh dường như đang khẳng định vị thế của mình và chuẩn bị cho một cuộc đối đầu kéo dài, trong khi vẫn để ngỏ các lựa chọn trong tương lai.

Lần này, sự cứng rắn của Trung Quốc xuất phát từ quan điểm rằng họ đã chuẩn bị tốt hơn so với cuộc chiến thương mại đầu tiên của ông Trump, sau khi đã rút kinh nghiệm trong 8 năm qua. Bắc Kinh đã mở rộng mạng lưới đối tác thương mại, giảm sự phụ thuộc vào Mỹ về cả nhập khẩu và xuất khẩu.

Mỹ đã tiếp nhận chưa đến 15% lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào năm ngoái, giảm so với mức 19% vào năm 2017 trước cuộc chiến thương mại, mặc dù thương mại thông qua các nước thứ ba có thể bù đắp một phần sự thiếu hụt. Tương tự, lượng hàng nhập khẩu từ Mỹ - vốn đã tương đối nhỏ - đã trở nên ít quan trọng hơn đối với Trung Quốc.

Các sản phẩm nông nghiệp là một ví dụ điển hình, khi Trung Quốc tìm cách giảm sự phụ thuộc vào đậu nành của Mỹ. Các nhà xuất khẩu Mỹ - từng thống trị thị trường Trung Quốc - đã chứng kiến thị phần của họ giảm xuống chỉ còn 20% vào năm ngoái khi Trung Quốc tăng cường mua hàng từ Brazil.

Tất cả những điều này có thể giúp Trung Quốc có thêm thời gian cho đến khi hai bên đồng ý gặp nhau tại bàn đàm phán.