Theo ông Nguyễn Văn Quang - Trưởng bộ môn chim cảnh (Hội Sinh vật cảnh tỉnh), hiện nay, ở Khánh Hòa có 46 câu lạc bộ chim chào mào với số thành viên lên đến cả nghìn người. Đó là chưa kể số lượng người chơi chim chào mào nhưng không tham gia sinh hoạt ở các câu lạc bộ.
Các chú chim chào mào tại hội thi chim chào mào ở Khu du lịch Đảo Khỉ. |
Có dịp theo dõi hội thi chim chào mào ở Khu du lịch Đảo Khỉ vào ngày đầu năm mới, tôi mới được tiếp cận với thú vui độc đáo này. Lân la bắt chuyện với những người chơi chào mào, tôi được họ chỉ cho những chiêu thức cơ bản để đánh giá một chú chim hay. Nhìn chung, chim hay là những con có ngoại hình đẹp, tác phong nhanh nhẹn, đặc biệt giọng hót phải dày, dài. Khi thi đấu, chim phải thể hiện được cái oai, cái dũng của mình trước những chú chim khác và có khả năng thi đấu bền bỉ trong thời gian dài. Chim phải hót liên tục, không có những biểu hiện như bu lồng, cắn lông, cắn chân, lộn nhào, tắm nắng...
Anh Lê Bá Thành (Cam Ranh) chia sẻ, anh đã có hơn 20 năm theo đuổi niềm đam mê này. Ngày trước, anh phải vào rừng, rẫy bắt chim non về nuôi dưỡng. Còn bây giờ, các vựa chào mào mở ra nhiều nên việc tìm kiếm một con chim ưng ý không phải quá khó. Hiện tại, nhà anh đang nuôi khoảng 20 con. Để chăm sóc chúng, cứ 3 ngày anh lại dành 1 buổi sáng để cho chim tắm, dọn vệ sinh các lồng. Hàng ngày, anh luân phiên đưa những chú chim đến các địa điểm dợt chim để cho chúng tập luyện. Đặc biệt, anh còn cẩn thận chế biến thức ăn cho chim chứ không mua thức ăn đóng gói sẵn. “Thức ăn của chào mào vốn đơn giản, nhưng vì mình nuôi chim cảnh nên phải cầu kỳ làm thức ăn để chúng có thể trạng, sức khỏe tốt nhất”, anh Thành chia sẻ. Cũng theo anh Thành, thức ăn dành cho chim là hỗn hợp các loại ngũ cốc như gạo lức, bột ngô, khoai lang và bổ sung các chất dinh dưỡng từ thịt bò, trứng kiến, sữa tươi, cào cào... Ngoài thức ăn tổng hợp, các chú chào mào còn được cho ăn những loại trái cây có màu đỏ như cà chua, ớt, chuối, bình bát... Dụng công là như vậy, nhưng với những người như anh Thành, giá trị của mỗi chú chim dường như mang nặng yếu tố tinh thần hơn. Anh Thành tâm sự: “Mình chơi chim là để cho vui, để có điều kiện gặp gỡ bạn bè, những người có chung đam mê, từ đó giúp giải tỏa bớt những căng thẳng, muộn phiền trong cuộc sống”.
Khác với anh Thành, có nhiều người chơi chim lại rất chú trọng đến kết quả những cuộc thi. Bởi đó là cách họ đánh dấu tên tuổi của mình trong giới chơi chim và nhiều khi những chú chim còn mang đến cho họ những giá trị vật chất thiết thực. “Có nhiều chú chim trước khi bước vào cuộc thi còn vô danh, giá trị thấp, nhưng khi đoạt giải thì mọi người đều biết đến và giá trị của nó cao hơn rất nhiều lần, có khi lên đến vài chục triệu đồng”, anh Phan Văn Sơn - chủ một vựa chim ở phường Ngọc Hiệp cho biết.
Tại hội thi chim chào mào ở Khu du lịch Đảo Khỉ, chúng tôi gặp anh Lê Tuấn Thành (Nha Trang), người có chú chim đoạt giải nhất hội thi. Anh Thành cho biết: “Trước đây tôi chơi chim vành khuyên, mới chuyển qua chơi chào mào hơn 2 năm nay. Con chim đoạt giải này đã được hơn 6 mùa và nó cũng đã đoạt một số giải do anh em trong câu lạc bộ tổ chức”. Theo đánh giá của những người theo dõi cuộc thi, chú chim này đã có một “chiến thuật” thi đấu hết sức hợp lý. Gần suốt thời gian thi đấu nó không quá nổi bật, nhưng vẫn giữ được phong độ ổn định để vượt qua gần 200 chú chim khác. Đến vòng chung kết, khi chỉ còn lại 4 chú chim trên dàn thì nó tung đòn quyết định, liên tục cất giọng ché để thị uy đối thủ. Không chỉ mang vinh dự về cho chủ nhân, mà chú chào mào này còn mang về phần thưởng là 1 chiếc xe máy trị giá 20 triệu đồng. Và một điều chắc chắn là giá trị của chú chim này sẽ là chủ đề nóng trong giới chơi chào mào không chỉ ở Khánh Hòa mà cả các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong thời gian tới.
Chơi chim chào mào là một thú vui lành mạnh, góp phần tô điểm cho cuộc sống thêm tươi đẹp. Hy vọng, những người chơi chim chào mào sẽ mãi giữ được niềm đam mê của mình và tỉnh táo để tránh những biểu hiện ăn thua thiếu lành mạnh.
0 Reviews