Nụ cười của cụ bà tỏa sáng trong MV Bắc Bling (Bắc Ninh) hàm chứa nhiều thông điệp ý nghĩa.
MV Bắc Bling của Hòa Minzy tiếp tục tăng trưởng về lượt xem, trụ vững vị trí số 1 âm nhạc thịnh hành trên YouTube. Khắp mạng xã hội, MV về quê hương Bắc Ninh của Hòa Minzy cũng nhận được nhiều lời khen ngợi về mức độ đầu tư cho phần hình ảnh.
Mỗi cảnh quay đều cho thấy sự cầu kỳ, chỉn chu và có thông điệp về văn hóa, cảnh quan đặc sắc vùng Kinh Bắc.
Trong đó, cảnh quay cụ bà với hàm răng nhuộm đen, mỉm cười tỏa sáng được đánh giá là phân cảnh đẹp bậc nhất của Bắc Bling (Bắc Ninh).
Cảnh quay này gợi nhắc đến những câu thơ tươi đẹp, giàu cảm xúc trong bài thơ Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm.
“... Ai về Bên kia sông Đuống
Có nhớ từng gương mặt búp sen
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng...”
Nhà thơ Hoàng Cầm tên thật là Bùi Tằng Việt, sinh ra tại làng Lạc Thổ, nay là xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, trong một gia đình nhà Nho nghèo sống bằng nghề làm thuốc Đông y. Ông làm thơ từ năm lên tám, chín tuổi, bắt đầu được in từ những năm 1936-1937. Bút danh Hoàng Cầm xuất phát từ tên của một vị thuốc quý.
Bài thơ Bên kia sông Đuống được sáng tác vào năm 1948 khi Hoàng Cầm đang ở chiến khu Việt Bắc. Ông sáng tác bài thơ khi nghe tin quê nhà bị giặc chiếm đóng, tàn phá. Bài thơ tràn ngập nỗi nhớ và ký ức của Hoàng Cầm về Kinh Bắc. Bên kia sông Đuống được ví đã mở ra thời gian Kinh Bắc, không gian Kinh Bắc tràn ngập nỗi khắc khoải của Hoàng Cầm.
Giữa không gian khói lửa, Kinh Bắc vẫn bừng sáng bởi những vẻ đẹp bất khuất của “những gương mặt búp sen”, “những cô hàng xén răng đen, cười như mùa thu tỏa nắng”.
Vẻ đẹp của nụ cười răng đen đã đi vào thơ ca Việt trong nhiều thời kỳ, nhiều giai đoạn. Không ai nhớ rõ, phụ nữ Việt nhuộm răng đen từ triều đại nào, chỉ biết, tục nhuộm răng của phụ nữ thời xưa gắn với thói quen ăn trầu. Hàm răng đen “nhưng nhức hạt na” từng là một trong những thước đo quan trọng để đánh giá vẻ đẹp, nhan sắc phụ nữ thời xưa.
Thơ ca Việt đã bao lần chứng kiến sự lấp lánh của những nụ cười răng đen “tỏa nắng” như thế, ví như trong bài “Nắng mới” của Lưu Trọng Lư, khi ông nhớ mẹ:
... “Hình dáng mẹ tôi chửa xóa mờ
Hãy còn mường tượng lúc vào ra:
Nét cười đen nhánh sau tay áo
Trong ánh trưa hè trước giậu thưa”
Theo thời gian, nụ cười răng đen trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp phụ nữ Việt của một thời xa xôi, thời đại của “bà nội, bà ngoại”. Thế hệ 8X, 7X khi xem MV Bắc Bling của Hòa Minzy đã nhắc nhớ về bà ngoại, bà nội của họ. Có thể, bà nội, bà ngoại của 7X, 8X chính là thế hệ cuối cùng lưu giữ nụ cười răng đen tỏa nắng.
Rất nhiều tài khoản đã chụp lại hình ảnh nụ cười của cụ bà trong MV Bắc Bling (Bắc Ninh) sau đó chia sẻ lên trang cá nhân với lời nhắn, “Nhớ bà”. Tài khoản Nguyễn Thủy viết, “Xem MV Bắc Bling của Hòa Minzy mấy hôm, cứ dừng mãi ở nụ cười này. Nụ cười răng đen đẹp biết bao. Đẹp như bà nội, bà ngoại, đẹp như thơ ấu, nhìn bà "Ngẩng lên sau vành nón/Nụ cười bà tan mây".
Nụ cười răng đen gợi nhắc về thế hệ của bà nội, bà ngoại, của những phụ nữ rất xa xôi trong quá khứ nhưng luôn lấp lánh trong thơ ca và từng lấp lánh trong ký ức thơ ấu của biết bao người.
0 Reviews