Từ những sợi mây, lá buông, lục bình, cói, tranh… thô sơ, qua bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của người thợ đã trở thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đẹp mắt. Nghề đan thủ công đã và đang tạo việc làm cho nhiều lao động tại thị xã Ninh Hòa.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết, tùy theo sản phẩm và nguyên liệu, người làm có thể dùng nhiều kỹ thuật đan khác nhau.

Đến Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Vĩnh Phước (phường Ninh Hiệp), chúng tôi thấy rất nhiều sản phẩm đan như: Giỏ xách, mũ, sọt, ghế, kệ tủ, khay đựng, thùng giặt… với nhiều hoa văn, kích thước khác nhau. Các sản phẩm đan này đều được làm thủ công từ mây, lá buông, lục bình, cói, chuối, tranh… Qua bàn tay đầy kinh nghiệm của những người thợ, các nguyên liệu bình thường đã trở thành những sản phẩm tinh tế, đẹp mắt. Có thâm niên 20 năm làm nghề đan thủ công, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy (sinh năm 1984, trú phường Ninh Đa) cho biết, một sản phẩm thường trải qua 3 công đoạn là đan đáy, đan thân và quấn miệng. Tùy theo sản phẩm và nguyên liệu, người làm có thể dùng nhiều kỹ thuật đan khác nhau như: Đan nong mốt, đan léo, đan hạt đậu, đan xoắn, đan hoa thị, đan xương cá… Khi đan, người thợ phải có kỹ thuật và kinh nghiệm để cho ra sản phẩm đều, đẹp. Thông thường sẽ có một khung sắt định hình cơ bản sản phẩm và người thợ sẽ đan dựa trên mẫu mã yêu cầu của khách hàng. Có loại đan cả khung sắt vào để cố định sản phẩm, có loại khung sắt được rút ra sau khi đan. Sau khi gia công xong các bước, sản phẩm được cắt tỉa, vệ sinh sạch sẽ trước khi đem đi phun keo, phun bóng, phơi nắng cho bền và đẹp hơn. Để sợi không bị đứt, gãy trong quá trình đan, người thợ sẽ phun nước làm mềm nguyên liệu. Với nguyên liệu có độ cứng như mây đòi hỏi người thợ phải dùng sức nhiều để những đường đan được đều, đẹp mắt. Khi mới làm, bà gặp khó khăn khi sản phẩm làm ra không đều, bề mặt gồ ghề, không bằng phẳng, bị móp. Để khắc phục điều đó, bà cố gắng học hỏi để nâng cao tay nghề, vừa đan vừa điều chỉnh trong quá trình làm. 

Vượt qua khó khăn lúc đầu, bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung đã tìm ra cách đan phù hợp để sản phẩm được đều và đẹp.

Nghề thủ công mỹ nghệ đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ, chịu khó và khéo léo nên làm nghề chủ yếu là phụ nữ. Điều đó cũng góp phần giải quyết việc làm cho lao động nữ tại các địa phương, giúp họ kiếm thêm thu nhập hàng ngày hoặc lúc rảnh rỗi, nông nhàn. Hiện nay, các nguyên liệu được hợp tác xã đặt mua từ các tỉnh, thành khác về và phân phối cho các thợ gia công ở các xã, phường trên địa bàn thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh làm những công đoạn ban đầu. Ở nhà nội trợ nên tranh thủ thời gian rảnh, bà Lê Thị Thùy Dung (sinh năm 1972, trú xã Ninh Trung) nhận nguyên liệu về đan các sản phẩm kiếm thêm thu nhập, công việc này duy trì đã 5 năm nay. Mỗi khi có sản phẩm mới, hợp tác xã sẽ cử người đến hướng dẫn bà và mọi người trong xóm để cùng làm. Bà chủ yếu nhận làm các sản phẩm như: Thảm tranh, chuồng mèo, khung thỏ, manh cỏ, miếng lót ly, giỏ… từ tranh, mây, lục bình, chuối. Tùy theo sản phẩm, bà được trả tiền công từ 1.500 đến 27.000 đồng/sản phẩm. Với công việc này, mỗi ngày bà kiếm được khoảng 50.000 đồng.

Bà Nguyễn Thị Hồng kết quai vào những chiếc giỏ oval bằng sợi lục bình.

Những bộ phận đáy và thân của các sản phẩm được các chị em nhận gia công tại nhà, còn tại hợp tác xã mọi người thực hiện các công đoạn còn lại và hoàn thiện sản phẩm. Mỗi người mỗi việc, tất cả đều chăm chú hoàn thành các sản phẩm một cách tốt nhất. Đang quấn miệng cho chiếc giỏ bằng sợi mây, bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung (sinh năm 1988, trú phường Ninh Hiệp) cho biết, bà mới vào làm được 2 tháng nay. Trước khi làm bà được thầy chỉ dạy, khoảng 3 đến 4 ngày là nắm bắt được công việc, nhưng để làm quen việc phải mất 1 tháng. Lúc đầu đan không đều, phải sửa tới sửa lui nên bà cũng nản, nhưng cứ làm dần rồi quen tay, tạo ra sản phẩm ngày càng đẹp, tay nghề nâng cao nên bà ngày càng yêu thích và mong muốn gắn bó với nghề lâu dài. Khi mới học, bà chỉ quấn miệng được khoảng 4 đến 5 cái giỏ, giờ đây hàng ngày bà làm được 10 cái với giá 14.000 đồng/cái. Cạnh bên, bà Nguyễn Thị Hồng (trú phường Ninh Đa) đang kết quai vào những chiếc giỏ oval bằng sợi lục bình. Bà cho biết đã gắn bó với công việc này 4 năm nay, thu nhập khoảng 140.000 đồng/ngày. Làm nghề không chỉ giúp bà thỏa mãn đam mê với nghề đan thủ công mà còn cho thu nhập ổn định. 

Một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm từ các nguyên liệu thiên nhiên.

Với sự đa dạng về kiểu dáng, ứng dụng phong phú và đầy nghệ thuật, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm ra từ những đôi bàn tay lành nghề của người thợ thủ công đã được xuất khẩu sang nhiều nước như: Anh, Pháp, Nhật… Mỗi sản phẩm có sự đóng góp công sức của nhiều người để đưa đến cho người tiêu dùng những vật dụng vừa đẹp, vừa thân thiện với môi trường.

Ông Ngô Văn Nhân – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Vĩnh Phước: Hiện nay, hợp tác xã tạo việc làm cho khoảng 500 lao động nữ tại các xã, phường trên địa bàn thị xã Ninh Hòa và xã Xuân Sơn, thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh). Riêng công nhân nữ làm việc trực tiếp tại hợp tác xã là 90 người, với thu nhập từ 4,5 – 5 triệu đồng/tháng. Với công việc này, phụ nữ có thể nhận gia công tại nhà, tranh thủ thời gian rảnh rỗi, nông nhàn để kiếm thêm thu nhập. Trong thời gian tới, hợp tác xã sẽ tiếp tục đào tạo, hướng dẫn làm sản phẩm mới theo nhu cầu của khách hàng để lao động nữ ở địa phương có thêm việc làm, tăng thu nhập để nâng cao chất lượng cuộc sống.