Hà Nội (TTXVN 5/3/2025) Theo sắc lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump, bắt đầu từ 0h ngày 4/3/2025 (giờ châu Mỹ), toàn bộ hàng hóa Mexico và Canada vào Mỹ chịu mức thuế nhập khẩu mới là 25%, ngoại trừ các sản phẩm năng lượng từ Canada bị áp thuế 10%. Trước đó, ngày 3/3, ông Trump đã ký sắc lệnh tăng thuế, từ 10% lên 20%, đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, với lý do Bắc Kinh không giải quyết triệt để vấn đề buôn bán fentanyl bất hợp pháp.

*Phản ứng của các bên

Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 4/3 tuyên bố phản đối quyết định của Mỹ, khẳng định Bắc Kinh sẽ thực hiện các biện pháp đáp trả nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Theo Bộ này, Bắc Kinh sẽ đưa 15 thực thể của Mỹ vào danh sách kiểm soát xuất khẩu để bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia, đồng thời đưa 10 thực thể của Mỹ vào Danh sách thực thể không đáng tin cậy, với lý do “gây tổn hại nghiêm trọng đến chủ quyền quốc gia, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc”. Các doanh nghiệp trong danh sách không được phép tham gia các hoạt động xuất nhập khẩu liên quan đến Trung Quốc, cũng như bị cấm đầu tư mới vào nước này. Bộ Thương mại Trung Quốc cũng cho biết nước này đã khởi kiện Mỹ theo cơ chế giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) liên quan đến việc Washington tăng thuế đối với hàng hóa của Bắc Kinh. Ủy ban Thuế quan Quốc vụ viện Trung Quốc thì thông báo nước này sẽ áp thuế bổ sung đối với một số hàng hóa nhập khẩu của Mỹ kể từ ngày 10/3 tới.

Hàng hóa sản xuất tại Canada được bày bán tại siêu thị ở Ontario ngày 4/3/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, Mexico và Canada cùng ngày 4/3 cũng có phản ứng gay gắt trước động thái Mỹ áp thuế nhập khẩu 25%.

Mexico tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp thuế quan và phi thuế quan nhằm đáp trả quyết định của Mỹ nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, kế hoạch chi tiết sẽ được công bố vào trưa 9/3 tới. Mexico khẳng định Washington không có bất kỳ lý do chính đáng nào thực hiện viếc áp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Mexico, đồng thời nhấn mạnh động thái này sẽ gây tổn hại đến cả hai nước. Theo Mexico, quyết định áp thuế đơn phương của Mỹ không chỉ tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp trong nước và quốc tế đang hoạt động tại Mexico mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân nước này. Tuy nhiên, Mexico khẳng định sẽ tiếp tục duy trì việc thúc đẩy đối thoại với chính quyền Washington.

Về phía Canada, nước này thông báo sẽ áp thuế 25% lên số hàng hóa Mỹ trị giá 30 tỷ CAD với hiệu lực tức thì. Đồng thời, Canada sẽ khiếu nại quyết định thuế quan của Mỹ thông qua WTO và cơ chế Hiệp định Thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA). Trước đó, ngày 3/3, Ottawa tuyên bố sẽ ngay lập tức đáp trả các biện pháp áp thuế của Mỹ, cụ thể là kích hoạt kế hoạch đã được công bố trước đó về việc áp thuế trả đũa 25% đối với lượng hàng hóa Mỹ trị giá 155 tỷ CAD (khoảng 107 tỷ USD). Theo chính phủ Canada, giới chức nước này đã thực hiện chiến dịch ngoại giao kéo dài cả tháng qua để tránh bị Mỹ áp thuế cũng như cố gắng đáp ứng những lo ngại của Mỹ về vấn đề biên giới. Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn không đủ để ngăn cản quyết định của Mỹ.

*Những tác động tiêu cực

Giữa bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang, các nhà quan sát đánh giá quyết định của Mỹ được dự đoán sẽ kích hoạt một cuộc chiến thương mại mới giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị trường toàn cầu. Việc Mỹ đơn phương áp đặt thuế quan có thể làm suy yếu hệ thống thương mại đa phương, gia tăng gánh nặng cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ cũng như làm xói mòn nền tảng hợp tác kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ.

Cảng hàng hóa Nhật Chiếu, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, ngày 4/3, Ủy ban châu Âu (EC) bày tỏ “rất lấy làm tiếc” về quyết định của Mỹ áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada. Tuyên bố của EC nêu rõ việc Mỹ áp thuế 25% đối với hàng hóa Canada và Mexico “có nguy cơ gây gián đoạn thương mại toàn cầu, làm tổn hại đến các đối tác kinh tế quan trọng và tạo ra sự bất ổn không cần thiết vào thời điểm mà hợp tác quốc tế trở nên quan trọng hơn bao giờ hết”. Về phía Đức, nước này tuyên bố châu Âu sẽ phản ứng theo cách thống nhất và kiên quyết nếu Tổng thống Trump áp thuế đối với các sản phẩm của Liên minh châu Âu (EU).

Các hiệp hội dệt may lớn ở khu vực Bắc Mỹ cũng kêu gọi Tổng thống Trump ngừng áp thuế 25% đối với hàng dệt may và quần áo nhập khẩu từ Mexico và Canada, cũng như giải quyết “lỗ hổng” pháp lý hiện đang cho phép những sản phẩm nhập vào Mỹ dưới 800 USD không phải chịu thuế. Những hiệp hội này cảnh báo thuế mới của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất dệt may Bắc Mỹ, lĩnh vực đang tạo ra 20 tỷ USD thương mại mỗi năm và hỗ trợ hơn 1,6 triệu việc làm trong khu vực theo USMCA.

Theo số liệu thống kê, xuất khẩu vật tư đầu vào của ngành dệt may từ Mỹ sang Mexico và Canada đạt 12,3 tỷ USD, chiếm 53% tổng kim ngạch của Mỹ bán ra thị trường toàn cầu. Những vật liệu này sau đó được xuất trở lại Mỹ dưới dạng thành phẩm theo quy định của USMCA, nhờ đó khu vực Bắc Mỹ đã duy trì được khả năng cạnh tranh so với các thị trường khác. Riêng với Mexico, xuất khẩu hàng dệt may và quần áo của nước này sang Mỹ đạt 9 tỷ USD và hiện là thị trường cung cấp hàng dệt may lớn thứ 4, hàng may mặc lớn thứ 6 cho quốc gia láng giềng. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng trên của Canada sang Mỹ và Mexico đạt 1,8 tỷ USD, trong đó 64% có điểm đến là thị trường Mexico.

Theo giới phân tích, ngoài những tác động với ngành dệt may, thuế quan của Mỹ cũng sẽ ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp như ô tô, thiết bị y tế, nông nghiệp và nhiều ngành khác vốn phụ thuộc vào hội nhập thương mại Bắc Mỹ. Ngành vận tải biển toàn cầu, vốn chiếm tới 80% hoạt động thương mại thế giới, cũng phải đối mặt với ảnh hưởng diện rộng