Hơn 10 năm qua, Hà Nội đã 5 lần phát động chiến dịch “Giành lại vỉa hè cho người đi bộ”. Song, hết chiến dịch này đến chiến dịch khác, chỉ một thời gian ngắn, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường lại “đâu vào đấy”. Người đi bộ trên nhiều tuyến phố buộc phải đi xuống lòng đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
“Bắt cóc bỏ đĩa”
Sau mỗi chiến dịch ra quân rầm rộ để “Giành lại vỉa hè cho người đi bộ”, nhưng tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, dừng đỗ phương tiện vẫn tái diễn tại nhiều khu vực.
Tại một số tuyến phố như: Trần Đại Nghĩa (phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng); phố Đại Từ (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai), ngõ 553 đường Giải Phóng (phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai); Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ, Đào Tấn (quận Đống Đa), đường Nguyễn Hữu Thọ, Phan Chánh và một số tuyến đường bao quanh khu đô thị Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai); phố Trích Sài ven Hồ Tây, phố Quang Trung... hàng quán ngang nhiên chiếm dụng vỉa hè, lòng đường làm nơi bày bàn ghế, căng dù, bạt, biển quảng cáo, dừng đỗ phương tiện với mục đích kinh doanh gây cản trở, mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị… diễn ra khá phổ biến.
Tại hầu hết tuyến phố ở quận Hoàn Kiếm, hàng hóa, xe cộ không chỉ chiếm trọn vỉa hè mà tràn xuống cả lòng đường gây mất an toàn giao thông. Thiếu tá Nguyễn Tài Nghĩa, Phó trưởng Công an phường Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm) cho biết, riêng 3 tháng đầu năm, Công an phường đã xử lý tổng số 263 trường hợp vi phạm trật tự đô thị.
Trong đó, 129 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, dừng đỗ sai quy định; 92 trường hợp bán hàng rong; 39 trường hợp lấn chiếm hè phố...
Để giải quyết dứt điểm tình trạng vi phạm trật tự đô thị, Ban Chỉ đạo 197 (Ban Chỉ đạo về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, văn minh đô thị) phường đã khảo sát, lập danh sách tổ chức, cá nhân thường xuyên vi phạm để tuyên truyền, ký cam kết chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về trật tự vỉa hè, lòng đường, tự tháo dỡ, di chuyển vật dụng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè gây cản trở, mất an toàn giao thông.
Đồng thời, tiến hành thông báo bằng văn bản đến tổ chức, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức vi phạm trật tự đô thị... kiên quyết xử lý dứt điểm, trả lại nguyên trạng vỉa hè cho người đi bộ. Tuy nhiên, tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè khi không có bóng dáng của lực lượng chức năng vẫn xảy ra.
Theo Công an TP Hà Nội, trật tự vỉa hè là vấn đề phức tạp. Trách nhiệm không chỉ riêng lực lượng công an, mà là của các sở, ngành, chính quyền các cấp. Sau mỗi đợt ra quân, tình hình có cải thiện nhưng sau đó “đâu lại vào đấy”.
Nguyên nhân là do nhận thức của một bộ phận người dân vì mưu sinh nên chỉ chấp hành khi có lực lượng chức năng và mang tính đối phó mà chưa nhận thấy đó là nghĩa vụ của mình. Ngoài ra, nhu cầu dừng đỗ phương tiện rất lớn trong khi hạ tầng giao thông chưa đáp ứng đủ nên việc dừng đỗ thường không đúng nơi quy định.
Ông Vũ Đức Tiến (đường Nguyễn Hữu Thọ) cho biết, dù không ít lần chứng kiến lực lượng chức năng xử phạt người vi phạm tại chỗ, tịch thu bàn ghế, hàng rong, xe ô tô bị cẩu đi vì đậu không đúng nơi quy định; nhiều mái che, biển hiệu quảng cáo bị tháo gỡ... nhưng chỉ một thời gian ngắn vỉa hè lại bị tái chiếm; dẹp chỗ này lại vi phạm chỗ khác, không khác gì tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”.
Ông Tiến không ít lần chứng kiến nhiều người phải đi bộ dưới lòng đường bị va quệt với phương tiện lưu thông hoặc bị tiếng còi xe làm giật mình, gây nguy hiểm tính mạng. Có người bị vấp ngã khi đi qua đoạn đường mấp mô.
“Không hiểu sao chính quyền thành phố đã ra quân nhiều lần nhưng vẫn chưa giải quyết được vấn đề lấn chiếm vỉa hè. Rất mong lực lượng chức năng có biện pháp xử phạt nghiêm minh để sớm trả lại vỉa hè cho người đi bộ”, ông Vũ Đức Tiến kiến nghị.
Nhiệm vụ bất khả thi?
Vỉa hè không chỉ giành cho người đi bộ mà còn thể hiện trật tự đô thị và trình độ văn minh, phát triển của một thành phố. Giải tỏa vi phạm thì dễ nhưng để giữ và duy trì trật tự vẫn là bài toán khó nhưng không phải là nhiệm vụ bất khả thi.
Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, rất khó để có giải pháp toàn diện cho vấn nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Tuy nhiên, đây là việc phải làm để bảo đảm an toàn cho người đi bộ và mỹ quan đô thị. “Dù khó nhưng nếu quyết tâm chúng ta sẽ làm được”, kiến trúc sư Trần Huy Ánh nói.
Còn theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nhiều năm qua Hà Nội đã ban hành các kế hoạch rất cụ thể, rõ ràng bảo đảm trật tự an toàn giao thông, văn minh đô thị. Tuy nhiên, khâu tổ chức thực hiện lại theo kiểu "đầu voi, đuôi chuột"; khi ra quân thì rầm rộ, thực hiện quyết liệt nhưng sau đó lại “đâu vào đấy”.
TS, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết: Để duy trì được trật tự cần phải phân loại vỉa hè để có giải pháp thích hợp, chứ không thể đánh đồng chung chung các loại vỉa hè với nhau.
Giành vỉa hè cho người đi bộ nhưng cũng phải tính đến vấn đề kinh tế, đặc biệt là kinh tế nhỏ lẻ, kinh tế vỉa hè. Do vậy, cần quy hoạch thiết kế đô thị quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường từng tuyến phố, tuyến đường, có tính tới các yếu tố thực tiễn trước mắt và lâu dài, phù hợp với đặc điểm từng khu vực, địa bàn cụ thể như khu phố cổ, phố cũ và mới.
Trong đó, cần nghiên cứu áp dụng mô hình quản lý của các nước phát triển như cho phép kinh doanh vỉa hè (có thể tính cả giải pháp cho thuê, thu phí theo giờ...), bố trí chỗ đỗ xe ở lòng đường tại những nơi phù hợp với những quy định cụ thể; vỉa hè chỗ nào cấm tuyệt đối kinh doanh.
Ai vi phạm bị xử phạt thật nghiêm, nếu chống đối, đủ căn cứ thì xử lý hình sự để làm gương. Thành phố cần phải quy hoạch các bãi đỗ xe tĩnh để đáp ứng nhu cầu người dân, cơ quan, doanh nghiệp và phải có lộ trình thì mới lập lại trật tự vỉa hè.
Bên cạnh đó, Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phát động toàn dân tham gia phát hiện, phản ánh, cung cấp thông tin các hành vi vi phạm về trật tự đô thị, trật tự công cộng, vệ sinh môi trường trên địa bàn nơi cư trú, học tập, làm việc.
Ban Chỉ đạo 197 các cấp cần xây dựng kênh tiếp nhận thông tin, phản ánh của người dân về hành vi vi phạm như facebook, zalo để thông báo rộng rãi đến người dân. Từ đó, các lực lượng chức năng có căn cứ để xử lý vi phạm.
Có thể nói, nếu không có những biện pháp đủ mạnh, đúng và trúng thì mục tiêu giành lại vỉa hè cho người đi bộ tại Hà Nội vẫn là bài toán chưa có lời giải.
An Nhiên
Báo Lao động Xã hội số 67
0 Reviews