Read more »



 Hiện nay, thú chơi cá bảy màu đã trở nên phổ biến được nhiều người đam mê yêu thích. Tuy nhiên, nhiều người khi tham gia lại chưa tìm hiểu, chuẩn bị cho mình những kiến thức cơ bản. Từ đó, dẫn tới những khó khăn khi chăm sóc và xử lý các vấn đề có thể xảy ra trong quá trình nuôi. Qua bài viết này, TOP Thủy Sinh xin chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn nuôi cá bảy màu khỏe mạnh nhé.


1. Setup bể nuôi cá bảy màu

Dòng cá bảy màu là một dòng cá cảnh có thể thích nghi với nhiều điều kiện sống, bể nuôi khác nhau. Chúng có thể được nuôi trong bể kính, lọ thủy tinh, thùng xốp, thùng nhựa, chậu cây, bể xi măng ngoài trời…. Thế nhưng, cho dù là loại bể nuôi nào thì cũng nên đảm bảo được các yếu tố sau:


Thể tích: Bể cá cảnh có nhiều kích thước khác nhau phù hợp với mục đích sử dụng. Các bể cá cảnh đặt trên bàn làm việc thường có kích thước khá nhỏ. Đối với dòng cá bảy màu nên chọn các bể có thể tích 15L nước trở lên.

Không gian: Tâm lý của người mới bắt đầu nuôi cá cảnh thường thích trang trí bể rất nhiều đồ vật, phụ kiện trang trí, cây thủy sinh… Điều đó khiến cho không gian bể cá bị thu hẹp, cá sẽ có ít khoảng trống để hoạt động. Tùy vào kích thước bể nuôi, hãy lên ý tưởng trang trí thật hợp lý để đảm bảo không gian cho cá, ngoài ra sẽ giúp việc xử lý các vấn đề có thể xảy ra một cách dễ dàng hơn.

Thân thiện: Nên setup cho bể cá một ít rong, bèo hoặc cây thủy sinh để môi trường sống trong bể nuôi gần giống với môi trường tự nhiên. Từ đó bể nuôi sẽ gần gũi, thân thiện hơn với cá, giúp cá nhanh chóng thích nghi và tránh bị stress.

Lọc nước: Một môi trường sống lành mạnh, sạch sẽ là rất tốt đối với cá bảy màu. Trang bị một hệ thống lọc nước là điều cần thiết để có thể làm trong nước và xử lý cặn bẩn, chất độc tồn dư có trong bể cá cảnh.

Ánh sáng: Các sinh vật sống đều cần có ánh sáng để có thể sinh trưởng và phát triển tốt nhất. Cần trang bị một hệ thống đèn chiếu sáng, vừa trang trí tăng vẻ đẹp cho bể thủy sinh vừa hỗ trợ cá bảy màu phát triển và lên màu đẹp.

bể nuôi cá bảy màu


2. Xử lý nước ban đầu

Người ta thường nói “chơi cá là chơi nước”. Đúng vậy, để có một bể thủy sinh ổn định, cá sinh trưởng khỏe mạnh thì khâu xử lý nước là vô cùng quan trọng. Tùy từng khu vực và nguồn nước sẽ có các cách xử lý khác nhau để phù hợp với cá bảy màu. Dưới đây là một số cách xử lý nước ban đầu trước khi thả cá:


Thiết bị lọc nước bể cá: sử dụng các loại thiết bị lọc nước như lọc thác, lọc tràn, lọc vi sinh… để giúp làm trong nước, loại bỏ cặn bẩn, tăng lượng oxi bão hòa trong nước. Sử dụng cùng với các loại vật liệu lọc chuyên dùng cho bể cá cảnh có thể xử lý được các chất có hại cho cá như Clo, nitrit, nitrat, amoniac….

Chế phẩm vi sinh bể cá: hiện nay có nhiều loại chế phẩm sinh học chuyên dùng cho các bể cá cảnh giúp hỗ trợ thiết lập nhanh hệ vi sinh vật có lợi. Hệ vi sinh phát triển tốt sẽ giúp xử lý các chất mùn hữu cơ, chất độc tồn dư, làm trong nước và ngăn ngừa một số mầm bệnh thường gặp trên cá cảnh.

Dung dịch xử lý nước bể cá: hiện nay có rất nhiều loại thuốc, dung dịch xử lý nước chuyên dùng dành cho bể cá. Chỉ với một liều lượng nhỏ là có thể giúp phân giải các độc tố có hại, khử clo, nitrit, nitrat…giúp ổn định độ pH, thiết lập nhanh một môi trường an toàn với cá cảnh.

Sục khí: sục khí là cách phổ biến và đơn giản nhất để giải phóng khí Clo, tuy nhiên lại có điểm hạn chế là thời gian xử lý khá lâu sau đó mới có thể thả cá. Mặc dù vậy, trang bị một hệ thống sủi khí cũng rất cần thiết, cung cấp lượng oxy hòa tan vào nước để cá phát triển tốt hơn.

Nuoi ca bay mau ho xi mang


 


3. Thả cá

Sau khi đã chuẩn bị được bể nuôi an toàn, thân thiện với cá bảy màu thì công đoạn thả cá cũng vô cùng quan trọng. Nhiều người vẫn chưa biết làm sao để thả cá đúng cách, dẫn đến tình trạng cá bị sốc nước, sốc pH, stress…có thể làm chết cá. Vậy làm thế nào để thả cá đúng cách và an toàn cho cá:


Cá được mua về từ tiệm cá cảnh cần được để nguyên trong bọc. Ngâm trực tiếp bọc cá vào bể nuôi khoảng 30p để cân bằng nhiệt độ giữa nước trong bọc và nước bể nuôi. Đối với những vùng miền có thời tiết khắc nghiệt như quá nóng hoặc quá lạnh cần hết sức chú ý điều này.

Sau khi đã cân bằng nhiệt độ, có thể mở bọc và châm một chút nước trong bể nuôi vào bọc để cá dần dần thích nghi với nguồn nước mới. Công đoạn này nên làm từ từ và tiến hành khoảng 2-3 lần. Có thể đựng cá ra một cái cốc nhựa để dễ dàng thực hiện quá trình này.

Sau khi cá đã thích nghi với môi trường nước mới là đã có thể thả cá vào bể nuôi. Nên tắt đèn bể cá, không cho cá ăn trong ngày đầu tiên, nếu nước cao sát mép bể cần phải che chắn tránh việc cá lạ nước nhảy ra ngoài. 

Nếu thả cá mới vào bể đã có sẵn cá cũ, cần thực hiện thêm bước tắm cá mới bằng các loại thuốc, dung dịch sát khuẩn hoặc nước muối nồng độ nhẹ. Thực hiện bước này nhằm hạn chế mang mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập lây lan vào đàn cá cũ.

dumbo red tail guppy


4. Cho cá ăn

Một trong những lỗi khá phổ biến ở nhiều người chơi cá cảnh là cho cá ăn quá nhiều và lựa chọn loại thức ăn không phù hợp. Điều này dẫn đến tình trạng cá biếng ăn hoặc bỏ ăn gây tồn dư thức ăn thừa trong bể cá. Nếu không được vệ sinh kịp thời, lượng thức ăn thừa sẽ phân hủy gây đục nước và có thể sinh ra mầm bệnh nguy hiểm cho cá bảy màu. Vậy cho cá bảy màu ăn như thế nào là đúng cách:


Lựa chọn loại thức ăn phù hợp là điều cần phải chú ý. Cá bảy màu là loài cá nhỏ cho nên các loại thức ăn sử dụng cũng cần phù hợp với miệng cá. Các loại thức ăn cá bảy màu như trùn chỉ, artemia ấp nở hoặc sinh khối, tảo Nhật hoặc các loại cám cá có kích thước nhỏ (~1mm).

Căn cứ vào số lượng cá để tính toán lượng thức ăn cần sử dụng cho mỗi bữa. Nên cho cá ăn các bữa nhỏ chia làm 2-3 lần/ngày. Mỗi lần nên cho cá ăn ít hơn so với sức ăn của cá để kích thích cá ăn ở những bữa sau.

Nên cho cá ăn đa dạng các loại thức ăn như cám, trùn chỉ, artemia…để cá đổi khẩu vị và bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng. Có thể lên lịch cho các bữa ăn để có một chế độ ăn khoa học cho cá. Ví dụ: buổi sáng cá sẽ khá đói sau 1 đêm dài có thể cho cá ăn trùn chỉ để cá ăn no lâu, buổi chiều cho cá ăn thêm cám, buổi tối trước khi tắt đèn có thể cho cá ăn nhẹ bằng artemia.

Nhiều người có thói quen để sẵn một lượng lớn trùn chỉ vào bể để cá ăn dần. Trùn chỉ dư thừa có thể sẽ chết, phát tán mầm bệnh ra bể cá. Khuyến cáo không nên lạm dụng làm điều này trừ khi gặp công việc bận không thể cho cá ăn trong một vài hôm.

IMG 20211213 161746 1


5. Thay nước

Thay nước định kỳ là một công đoạn khá quan trọng nhằm cải tạo chất lượng nước, giải phóng độc tố tồn dư. Thay nước còn giúp kích thích sự phát triển giúp cá bảy màu mau lớn. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa biết cách thay nước như thế nào để hiệu quả và an toàn cho cá:


Thay nước định kỳ hàng tuần với lượng nước khoảng 20 – 30% thể tích bể nuôi. Nếu có dụng cụ thay nước bể cá chuyên dùng, nên hút sạch các cặn bẩn tồn đọng trong bể cá.

Chỉ thay 50-100% nước trong một vài trường hợp cần thiết.

Nguồn nước mới bổ sung vào bể cá nên sử dụng nguồn nước đã qua các bước xử lý. Khi bổ sung cần vào nước từ từ, tránh làm xáo trộn không gian trong bể nuôi.

Bổ sung thêm các chế phẩm vi sinh để hệ vi sinh có lợi được duy trì ổn định.

thay nuoc cho ca 1 1


Trên đây là những điều cần lưu ý để nuôi cá bảy màu khỏe mạnh mà TOP Thủy Sinh chia sẻ đến bạn đọc. Nếu quý bạn thấy những điều trên có ích, hãy nhớ áp dụng để có những phút giây trải nghiệm nuôi cá bảy màu tốt nhất.